Phần vốn này để mở rộng hoạt động của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam, hiện có vốn đầu tư 1,35 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên trên 19,2 tỷ USD.
Theo kế hoạch, hôm nay (16/2), UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Samsung Điện cơ).
Theo đó, Samsung sẽ dốc thêm 920 triệu USD vào dự án này để nâng vốn đầu tư của nhà máy Samsung Electro-Mechanics tại Thái Nguyên lên 2,27 tỷ USD.
Dự án Samsung Electro-Mechanics được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2013, chỉ 6 tháng sau khi Tập đoàn Samsung khởi công xây dựng Tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Khi đó, Dự án Samsung Electro-Mechanics có vốn đầu tư đăng ký là 1,2 tỷ USD, tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, đã nâng vốn lên 1,35 tỷ USD. Toàn bộ số vốn này đã được giải ngân hết. Và con số, cộng với 920 triệu USD tăng thêm, Samsung Electro-Mechanics có tổng vốn đầu tư 2,27 tỷ USD.
Samsung Electro-Mechanics được xây dựng nhằm sản xuất và lắp ráp bản mạch in kết nối mật độ cao HDI (bao gồm FPCB và Main board), các linh kiện, phụ tùng (như camera module, bộ nắn điện, Touch sensor module, Linear motor…) cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác…
Dự án này sau khi được phát triển đã góp phần quan trọng giúp Samsung hình thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh tại Việt Nam.
Thông tin cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động từ tháng 2/2015, Samsung Electro-Mechanics đã duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh ổn định, đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho trên 6.500 lao động.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cuối tháng 12/2021, Samsung Electro-Mechanics đã nộp hồ sơ đề nghị tăng vốn đầu tư và đã rất nhanh chóng nhận được cái gật đầu của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Với phần vốn tăng thêm, dự kiến, Samsung Electro-Mechanics sẽ tập trung sản xuất và lắp ráp các loại sản phẩm bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao, như FPCB, main board, FCBGA…, các linh kiện, phụ tùng (camera module, thấu kính, actuator, bộ nắn điện, touch sensor module, linear motor, WPT…) cho các loại thiết bị viễn thông và thiết bị di động công nghệ cao và các loại sản phẩm điện và điện tử khác…
Việc Samsung tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam đã một lần nữa khẳng định cam kết đầu tư lâu dài của tập đoàn điện tử lớn nhất thế giới tại Việt Nam. “Samsung luôn tin tưởng vào môi trường đầu tư ưu việt của Việt Nam và sẽ không thay đổi chiến lược kinh doanh tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam đã nhiều lần khẳng định điều này với phóng viên Báo Đầu tư.
Theo ông Choi Joo Ho, Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư hấp dẫn với hệ thống chính trị, xã hội ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Tính đến cuối năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung Việt Nam là 18 tỷ USD, đạt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD. Thêm phần đầu tư mở rộng, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng lên 19,2 tỷ USD, giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Đặc biệt, theo ông Choi Joo Ho, nếu như trước đây, Samsung đầu tư chủ yếu vào dây chuyền sản xuất, thì trong thời gian tới, Samsung sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam lên một tầm cao mới, trở thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển chiến lược thông qua việc đầu tư 220 triệu USD để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới (R&D) tại Hà Nội.
Trung tâm mới sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022 và sẽ tập trung nghiên cứu những xu hướng công nghệ mới của thế giới như AI, Big Data, IoT…, đóng góp vào việc phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin của Việt Nam.