Giữa bộn bề khó khăn do dịch Covid-19 đem lại, Thái Nguyên vẫn đón tin vui lớn khi thu hút gần 1 tỷ USD đầu tư từ Samsung bằng việc đưa ra nguyên tắc kèm theo nhiều cơ chế hấp dẫn
“Quan điểm của tỉnh Thái Nguyên là chỉ thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, có sản xuất sạch, không vi phạm quy định về môi trường và ưu tiên sản xuất công nghiệp điện tử”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải chia sẻ trong cuộc trò chuyện dịp đầu xuân Nhâm Dần.
Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh, mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế địa phương.
– Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, ở những “vùng đỏ” rất căng thẳng nhiệm vụ chống và ngăn dịch lây lan, còn ở những nơi giữ được “vùng xanh” như Thái Nguyên, áp lực phát triển kinh tế thời điểm đó như thế nào, thưa bà?
– Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế – xã hội và mọi mặt đời sống, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế – xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,51% – cao gấp hơn 2 lần bình quân của cả nước. Đặc biệt, kết quả thu ngân sách của tỉnh đạt kỷ lục với gần 18.000 tỷ đồng, tương đương 146,5% so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Thái Nguyên nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất; trong đó, số thu nội địa đứng thứ 18 cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844.000 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu trên 28,8 tỷ USD – đều đứng thứ tư cả nước.
Bên cạnh đó, nhờ có kế hoạch chủ động phân bổ tất cả nguồn vốn đầu tư để tập trung ngay từ những ngày đầu của năm, kết thúc năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 143% kế hoạch do Thủ tướng giao.
Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào tỉnh, mang lại động lực tăng trưởng cho kinh tế của địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đã đăng ký trên 9,67 tỷ USD và trên 800 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 143.000 tỷ đồng.
Mới đây, có một tin vui lớn là Thái Nguyên đã thu hút đầu tư thêm gần 1 tỷ USD của Tập đoàn Samsung.
– Thu hút đầu tư không dễ, đặc biệt trong giai đoạn nhiều biến cố như vừa qua. Được ghi nhận là một địa phương có tiềm năng thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp với 170 dự án FDI có tổng vốn trên 9,67 tỷ USD, Thái Nguyên có nguyên tắc và bí quyết gì để thu hút đầu tư?
– Quan điểm của tỉnh Thái Nguyên là chỉ thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh, có sản xuất sạch, không vi phạm quy định về môi trường và ưu tiên sản xuất công nghiệp điện tử.
Là địa phương thu đầu tư FDI tốt, điều này cũng minh chứng cho sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Nguyên cũng như sự kỳ vọng vào phục hồi kinh tế của tỉnh.
Giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, tôi đánh giá rất cao sự điều hành quyết liệt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng khi luôn đồng hành, chia sẻ cùng địa phương, với những giải pháp rất quyết liệt, hợp lý như khi chưa có đủ vaccine thì áp dụng một số biện pháp cứng rắn để kịp thời khoanh vùng, dập dịch, nhưng khi vaccine được bao phủ, đã ban hành Nghị quyết 128 – được coi là chìa khóa cho địa phương thực hiện mục tiêu kép – vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn FDI, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh xác định phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực tiềm năng phía nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư.
Đi kèm với đó là xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư đến với tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư vào các nhóm ngành tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: Công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến khoáng sản, nông, lâm sản gắn với kiểm soát và bảo vệ môi trường.
Thái Nguyên cũng ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn, tạo sự lan tỏa.
Đặc biệt, tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển nhượng dự án, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, không để xảy ra tình trạng “đầu tư chui”, “đầu tư núp bóng”.
Tôi luôn quan niệm dù công việc khó khăn đến đâu cũng quyết tâm tìm giải pháp để hoàn thành; “nóng” nhưng tuyệt đối không được “vội”, “chủ động” nhưng tuyệt đối không được “chủ quan”.
– Thủ tướng từng nhiều lần nhấn mạnh trong nguy có cơ, thách thức luôn đan xen cơ hội, và đại dịch Covid-19 dù gây nhiều tác động cũng là cơ hội để thúc đẩy nhiều lĩnh vực, trong đó có chuyển đổi số. Làm thế nào để Thái Nguyên từ một tỉnh nghèo đã tiên phong trong chuyển đổi số và giúp kinh tế, xã hội phát triển vượt bậc?
– Với một khát khao, ấp ủ làm sao để Thái Nguyên tiếp tục cất cánh, tạo nên thành tựu mới trong phát triển kinh tế, chúng tôi đã tìm nhiều giải pháp từ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến cơ cấu lại các ngành kinh tế trong tỉnh, thu hút đầu tư cho tỉnh.
Nhận thấy tất cả chính sách muốn thành công phải có sự tham gia của người dân dựa trên nền tảng chuyển đổi số, Thái Nguyên đã lựa chọn chuyển đổi số là hướng đi trọng tâm.
Với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, Thái Nguyên cũng là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về vấn đề này.
Sau một năm thực hiện, đến nay, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó, chỉ số về chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc.
Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước.
Toàn tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh; thành lập Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh; đưa vào sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; chính thức khai trương mạng 5G đầu tiên tại Thái Nguyên; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như “C-ThaiNguyen”, “Thainguyen ID” đã hỗ trợ tích cực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và phòng, chống dịch Covid-19.
Mô hình “phòng họp không giấy” đã được triển khai trong hầu hết cuộc họp với ưu điểm nổi bật là tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu. Tính sơ bộ, mỗi năm có 7,5 tỷ đồng tiền ngân sách được tiết kiệm từ việc này. Hơn nữa, thay vì phải đọc tài liệu giấy và đọc bằng mắt như trước kia, giờ đây các cán bộ có thiết bị thông minh để nhận và nghiên cứu tài liệu. Thậm chí, kể cả khi đi công tác, chúng tôi cũng có thể tranh thủ nghiên cứu tài liệu bằng cách nghe “trợ lý ảo” đọc.
Đặc biệt, Thái Nguyên được Thủ tướng ký quyết định bổ sung đưa Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình tại Phổ Yên vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Nơi đây được kỳ vọng tạo nên “thung lũng Silicon” tại Việt Nam.
– C-Thainguyen là một ứng dụng mới được ghi nhận có sự tương tác rất tốt giữa người dân với chính quyền. Đây cũng là điều mà lãnh đạo tỉnh ấp ủ với mong muốn lắng nghe nhiều hơn tiếng nói từ người dân. Là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh, bà tiếp nhận và giải quyết thông tin người dân phản ánh trên ứng dụng này như thế nào?
– Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải xuất phát từ cuộc sống, và việc áp dụng chuyển đổi số vào mọi hoạt động hàng ngày là minh chứng rõ nhất cho điều này, để giúp người dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan, còn các cấp chính quyền nắm bắt tốt hơn phản ánh của người dân.
Với mong muốn ấy, chúng tôi đã lên ý tưởng và cùng xây dựng ứng dụng C-Thainguyen. Nhờ dễ dàng cài đặt, thuận tiện sử dụng, đến nay, đã có hơn 200.000/900.000 người dân Thái Nguyên từ 18 tuổi trở lên cài đặt và sử dụng thường xuyên ứng dụng này. Tôi tin với hiệu quả nó đem lại, số người sử dụng còn tăng lên nhiều thời gian tới.
Sự tương tác giữa người dân và chính quyền trên ứng dụng C-Thainguyen được thể hiện trên hầu hết lĩnh vực về giáo dục, y tế, quản lý đất đai, đấu giá, đấu thầu… Phần mềm này cung cấp thông tin cho người dân, còn người dân được quyền phản ánh, đóng góp ý kiến cho các cấp chính quyền.
Nội dung này được thể hiện rõ nhất trong phần “Phản ánh hiện trường” được tích hợp trên C-Thainguyen. Bất kỳ người dân nào thấy sự việc không đúng, hay vấn đề còn bất cập có thể chụp ảnh, quay video và gửi nội dung lên C-Thainguyen.
Các cấp chính quyền sẽ theo dõi, nắm bắt và xử lý thông tin, hồi đáp phản ánh của người dân với thời hạn được quy định rõ trong hệ thống.
Như tôi là Bí thư Tỉnh ủy, dù công việc rất bận cũng có thể theo dõi, đánh giá các cấp chính quyền thông qua việc trả lời kiến nghị của người dân có nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả hay không, vì dưới mỗi phần trả lời của chính quyền, người dân có thể bày tỏ đánh giá hài lòng hoặc không hài lòng.
Lâu nay, đánh giá cán bộ là khâu rất khó nhưng với ứng dụng này, chúng tôi có thêm những căn cứ thực tiễn để đánh giá cán bộ trên nhiều góc độ khác nhau.
Hơn nữa, với C-Thainguyen, tôi có thể tranh thủ thời gian đi công tác để theo dõi, nắm bắt việc xử lý mọi vấn đề ở địa phương. Đặc biệt, trên đó tích hợp phần kết nối với 400 camera đặt ở những vị trí quan trọng trên địa bàn tỉnh, giúp lãnh đạo địa phương theo dõi sát sao mọi hoạt động.
Ứng dụng này cũng rất hữu ích trong phòng chống Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian qua với việc thường xuyên cập nhật thông tin ca nhiễm, số liệu mắc Covid-19 của tỉnh và cả nước cũng như khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch.
Riêng đợt dịch Covid-19 vừa qua, ứng dụng C-Thainguyen kết nối hàng chục nghìn công dân Thái Nguyên với các cơ quan chức năng để xác minh thủ tục hành chính, làm cơ sở chuyển khoản trực tiếp 23 tỷ đồng hỗ trợ cho công dân của tỉnh có hoàn cảnh khó khăn trong vùng dịch.
Ngoài ra, chúng tôi còn có ứng dụng công dân số ThainguyenID, giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số, kết nối người dân với các dịch vụ, ứng dụng số trong giải quyết thủ tục hành chính, tìm kiếm cơ hội việc và các dịch vụ tiện ích.